KHOA KỸ THUẬT XÂY DỰNG
DI CHÚC BÁC HỒ- BẢO VẬT QUỐC GIA
Bản Di chúc thiêng liêng của Bác hiện đang được lưu và bảo quản tại Cục Lưu trữ - VPTƯ

Suốt đời Bác lo cho nhân dân ta “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Những di sản văn hoá tư tưởng của Người để lại cho dân tộc ta vô cùng vĩ đại, trong đó có bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta và các thế hệ tương lai, là kết tinh tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình, tiến bộ, phát triển trên toàn thế giới.

Do đó Di chúc của Bác là tài sản chung của Đảng, của dân tộc, là văn kiện, cẩm nang thường nhật soi rọi con đường chân lý chẳng những cho nhân dân ta mà còn cho tất cả những dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.

Bản Di chúc đã được Bác khởi thảo từ ngày 10/5/1965. Và ngày 20/5/1969 là ngày Bác xem lại lần cuối cùng. Trong khoảng 4 năm ấy cứ vào trung tuần tháng 5 hàng năm, phần lớn mỗi ngày Bác đều dành 1 giờ để xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết, có khi viết thêm một số trang, hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ trong Di chúc.

Với trách nhiệm với hậu thế, Bác cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Bác đã sống.“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Nội dung, tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Di chúc phản ánh giá trị văn hóa sâu sắc, có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng Tổ Quốc Việt Nam, trong đời sống của mỗi con người nước Việt, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Bác đi … Di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn

Và tình thương, ơn nghĩa bao la …”( Tố Hữu. “Theo chân Bác” (Thơ). Tháng 1 năm 1970).

Bản Di chúc thiêng liêng của Bác hiện đang được lưu và bảo quản tại Cục Lưu trữ - VPTƯ